Các loại rau thơm Việt Nam
Văn hóa ấm thực

“Điểm danh” các loại rau thơm Việt Nam phổ biến nhất

Ẩm thực Việt Nam được biết đến không chỉ bởi hương vị đậm đà và nét độc đáo không thể tìm được ở bất kì đâu trên bản đồ ẩm thực thế giới, mà còn bởi sự cân bằng dinh dưỡng hiếm có trong từng món ăn. Sự cân bằng này có được nhờ các loại rau thơm – “chất xúc tác” tí hon tuy nhỏ bé nhưng mang lại hiệu ứng vị giác tuyệt vời.

Với những người say đắm ẩm thực Việt Nam thì một nửa sự “vi diệu” và tinh tế trong các món ăn đến từ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các loại rau thơm và gia vị. Việt Nam có vô số các loại rau thơm đa dạng, mỗi loại lại có công dụng và đặc điểm riêng. Để có được một món ăn Việt hoàn chỉnh, mỗi một loại rau thơm đóng góp phần không nhỏ làm nên “phần hồn” chân chất ẩn giấu sau các nguyên liệu chính.

Dưới đây là một số loại rau thơm phổ biến nhất của Việt Nam – “chất xúc tác” nhỏ mang lại trải nghiệm vị giác tuyệt vời.

Hành lá

Hành lá có lẽ là loại nguyên liệu phổ biến nhất trong danh sách này. Tần suất xuất hiện của hành lá trên mâm cơm người Việt chính là minh chứng cho độ phổ biến của loại lá thơm gia vị đa năng nhất nhì ẩm thực Việt. Chỉ với một chút hành lá dù lá phần lá hay phần củ cũng có thể tạo ra độ tươi mới cho món ăn, đặc biệt là các món nước. Bên cạnh đó, hành lá có hương vị tương đối dễ chịu nên nhiều người có thể dễ dàng thưởng thức.

Hành lá tía tô

Tía tô

Được biết đến như một “thần dược tí hon”, lá tía tô sở hữu hương thơm đặc biệt không thể nhầm lẫn với bất kì loại rau thơm nào khác. Rau tía tô có màu tím, lá hơi cứng, dùng làm rau gia vị trong món canh, món xào. Rau tía tô cũng được dùng để ăn kèm với các món bún riêu cua, lẩu riêu. Tía tô vừa tốt cho sức khỏe, vừa có tác dụng trong việc làm đẹp.

Một bát cháo mà thêm lá tía tô có công dụng giải cảm rất hữu hiệu.

>>> Đọc thêm: Lá thơm – “phép màu tí hon” trong các món ăn phương Tây

Diếp cá

Diếp cá về mặt bằng chung thì khá kén người thưởng thức bởi mùi vị đậm hơn hẳn, giống như mùi cá. Nhưng nếu quen thì loại rau thơm này lại thơm mát, giàu dinh dưỡng và còn có thể dùng để tiêu viêm, lợi tiểu. Lá diếp cá ít khi được dùng trực tiếp để chế biến món ăn mà hay dùng để ăn sống, bổ xung chất xơ và dinh dưỡng hoặc ăn kèm các món luộc.

Húng lủi diếp cá

Húng lủi

Húng lủi có bề ngoài tương đối giống với lá bạc hà – một loại lá thơm phổ biến ở các nước phương Tây. Tuy nhiên nếu tinh ý bạn sẽ nhận thấy dễ dàng sự khác biệt nằm trên phần lá của hai loại rau thơm này. Húng lủi thân thuộc và dễ tìm với người Việt Nam hơn là lá bạc hà. Để chế biến các món ăn sống, làm gỏi hay nộm thì không thể bỏ qua vài lá húng lủi tươi mới.

>>> Có thể bạn quan tâm: Những món ăn Việt Nam “đáng sợ” trong mắt bạn bè quốc tế

Rau răm

Rau răm là một trong các loại rau thơm đặc biệt quen thuộc với người Việt dù tần suất hay số lượng các món ăn dùng với loại rau thơm này không quá nhiều. Với đặc trưng là vị cay nhẹ, có một chút đắng, rau răm hợp nhất khi được thưởng thức cùng các món làm từ trứng lộ. Ngoài ra khi kho cá hoặc nấu cháu sườn, cháo trai mà rắc thêm một chút rau răm thì hương vị sẽ càng đặc sắc hơn. Rau răm còn xuất hiện nhiều trong các món miến để, được dùng trong mâm cơm cúng vào ngày lễ, ngày Tết của người Việt.

Rau răm rau ngổ

Rau ngổ

Rau ngổ nếu chỉ đánh giá riêng về mùi vị thì khá khó thưởng thức. Nhưng điều đặc biệt ở loại rau thơm này là nếu dùng đúng cách, đúng món ăn thì sẽ trở thành nguyên liệu không thể thay thế. Ví dụ một bát canh cá, chuối om hay canh hến mà không có rau ngổ thì hương vị kém hấp dẫn đi hẳn. Rau ngổ còn có rất hợp nếu rắc lên các món như cháo lòng hoặc các món làm từ lòng. Rau ngổ còn đa dụng đến mức có tác dụng giảm tiểu tiểu đường, tránh mỡ máu, đầy bụng, mất ngủ,…

>>> Đừng bỏ lỡ: Những món ăn nức tiếng ở Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài

Kinh giới

Hầu như món nộm cơ bản nào của người Việt cũng sẽ một chút lá kinh giới. Rau kinh giới rất dễ trồng, thậm chí còn mọc dại ngay trong những khu vườn của người Việt. Các món ăn đậm chất Việt Nam như bún đậu mắm tôm không thể nào bỏ qua lá kinh giới bởi khả năng tăng hương vị, giảm mùi hắc từ các nguyên liệu khác. Kinh giới còn giúp giải cảm, lợi tiểu, chữa viêm họng hay khàn tiếng,…

Kinh giới mùi tàu

Mùi tàu

Một số nơi gọi mùi tàu là ngò gai bởi phần lá có nhiều răng cưa của loại rau thơm này. Mùi tàu được dùng rất nhiều trong các món ăn. Món phở “quốc hồn” của người Việt cũng phải có chút mùi tàu mới đủ vị. Bởi hương thơm dịu nhẹ, dễ ăn mà mùi tàu có thể ăn trực tiếp mà không cần qua chế biến. Trong Nam y, mùi tàu còn là vị thuốc để chữa đầy hơi hoặc sốt nhẹ.

Húng quế

Đây lại là một loại rau thơm xuất hiện nhiều trong các món bún, phởi hoặc lòng lợn của người Việt. Lá húng quế có hương thơm đặc trung, lại dễ trồng, chỉ với vài lá là đã mang lại hiệu quả ẩm thực bất ngờ nên không lạ gì khi nhiều người yêu thích loại lá thơm này. Ngoài các món ăn thông thường, có thể kết hợp lá húng quế với các món sốt cá, bạn sẽ rất bất ngờ bởi thay đổi đặc biệt mà loại lá thơm này mang lại cho món ăn đấy.

Húng quế lá lốt

Lá lốt

Người Việt không ai là không biết loại rau thơm thân thuộc này. Xuất hiện nhiều nhất trong món chả lá lốt “kinh điển” rất đưa cơm, lá lốt còn được dùng để xào hoặc làm nguyên liệu trộn vào các món băm nhuyễn. Lá lốt đặc biệt hợp với thịt bò hoặc các món canh chua, món om chuối, lươn.

Mùi ta

Đây lại là một loại rau thơm “quốc dân” khác – đặc biệt phổ biến trong các căn bếp Việt. Có thể ăn sống hoặc nấu chín, làm gia vị cho các món canh, món xào, lá mùi ta có rất nhiều công dụng và rất đa năng. Hơn nữa, nhờ hương thơm dễ chịu mà lá mùi còn được dùng để rửa mặt, gội đầu vào ngày đầu năm Tết Âm lịch để mang lại may mắn, thơm tho, sạch sẽ.

Mùi ta húng chanh

Húng chanh

Lá húng chanh còn được gọi là rau tần ở vài nơi. Loại rau thơm này có vị chua the, hơi hăng và tính ấm. Bên cạnh công dụng về ẩm thực, lá húng chanh có thể giải cảm, tiêu đờm, làm si rô húng chanh có thể giúp mùa lạnh hoặc giao mùa không bị viêm họng.

Với sự đa dạng về mặt ẩm thực thì Việt Nam còn sở hữu vô số loại lá thơm khác nhưng nổi tiếng và quen mặt nhất chính là 12 loại lá thơm bên trên. Khi sử dụng nhuần nhuyễn các loại lá thơm, các món Việt sẽ càng “chuẩn Việt”, thơm ngon và gần gũi hơn rất nhiều. Có thể thấy bên cạnh công dụng nấu ăn thì tất cả các loại rau thơm Việt Nam đều có công dụng tích cực cho sức khỏe. Vì thế, ẩm thực Việt Nam mới được đánh giá cao về mặt cân bằng dinh dưỡng, vừa thơm ngon mà loại tốt cho sức khỏe.