Du học sinh vào bếp
Cảm hứng bếp

Thể hiện tình yêu với bếp theo cách của du học sinh

Rời xa quê hương và sống ở một đất nước xa lạ với những món ăn “chẳng hề quen”, đó là khi chúng ta cảm nhận được rõ nhất tình yêu của mình với ẩm thực truyền thống nước nhà. Vậy những du học sinh khi xa quê thể hiện tình yêu với bếp như thế nào? Hãy cùng chúng tôi lắng nghe những tâm sự của họ, bạn nhé!

Phạm Hải Ngân – Xa nhà, nhớ căn bếp của mẹ

Mình là du học sinh Đức, xa nhà đã được 4 năm. Ai sống ở trời Tây hẳn sẽ biết về sự khủng hoảng khi tiếp cận với một đất nước mà ở đó “cái gì cũng mới”. Có một vấn đề khiến mình không sao giải quyết nổi, đó là cơm nhà. Nền ẩm thực Châu Á khác biệt một trời một vực so với châu u. Mình không thể ăn nổi đồ ăn ở Đức vì thực sự quá ngấy. Với một đứa Việt Nam chính hiệu sống không thể thiếu cơm như mình thì KFC, McDonalds chỉ là một giải pháp tạm thời. Lúc đó mình đã tự trách bản thân tại sao ngày ở nhà không chịu vào bếp cùng mẹ để học hỏi chút ít.

Phạm Hải Ngân - du học sinh Đức và món chả nem tự làm
Phạm Hải Ngân – du học sinh Đức và món chả nem tự làm

 

Sau hơn 2 tháng chịu đựng cơn thèm cơm nhà, mình quyết tâm mỗi ngày dành ra 30 phút (đôi khi sẽ hơn) để video call với mẹ, vừa để mẹ hướng dẫn cách chế biến một món ăn Việt bất kỳ, vừa thực hành trực tiếp luôn. Thế rồi sự kiên trì của mình cũng được đền đáp. Mình bắt đầu quen tay hơn, kỹ năng nấu nướng của em cũng được cải thiện đáng kể. Thế là mình lại được thưởng thức hương vị Việt Nam ngay giữa trời Tây mà không cần ghé qua nhà hàng Việt Nào cả. Mình cảm thấy điều này thật tuyệt vời.

>>> Có thể bạn quan tâm: Hoàng Mạnh Dũng – trai đẹp nấu ăn đang gây xôn xao cư dân mạng

Thiện Đức – Tình yêu vô bờ bến với đồ ăn Việt Nam

Mình là con trai nhưng mình yêu bếp thì có “lạ” không nhỉ? Mình yêu đồ ăn Việt nam vô bờ bến và luôn muốn ăn đồ ăn Việt ngay cả khi mình đang là du học sinh ở xứ sở hoa anh đào.

Thiện Đức - chàng trai yêu món Việt và món bún ốc làm tại Nhật
Thiện Đức – chàng trai yêu món Việt và món bún ốc làm tại Nhật

Muốn ăn thì phải lăn vào bếp. Mình tìm tòi trên các hội nhóm nấu ăn để sưu tầm những công thức nấu món Việt ngon nhất. Mình thích những món ăn sáng phổ biến ở Việt Nam như bún bò, bún ốc, phở bò, xôi xéo… Cuộc sống du học sinh của mình thú vị hơn rất nhiều khi bản thân có thể tự tay nấu những món ăn “hồn cốt” của Việt Nam.

>>> Có thể bạn quan tâm: Decor bếp – Khơi nguồn cảm hứng cho tình yêu nấu nướng

Đỗ Kim Ngân – Tập yêu bản thân từ những bữa cơm đơn giản

Mình là du học sinh tại Hàn Quốc, đã sống xa nhà được 5 năm. Trước khi đi du học, mình chưa từng xa bố mẹ quá 2 tuần. Ở nhà ngoài rửa bát ra cũng không phải làm nhiều việc nhà, cơm nước được mẹ chăm cho hàng ngày, kinh nghiệm bếp núc chỉ trên mức 0 một chút. Vậy nên khi xa nhà, mình gần như stress vì phải sống hoàn toàn tự lập. Chế độ ăn uống thất thường và việc ăn hàng quán khiến mình tăng cân không kiểm soát và cơ thể thì luôn trong trạng thái mệt mỏi.

Đỗ Kim Ngân - Cô du học sinh hàn Quốc và món "cơm 1 đĩa" tự chuẩn bị
Đỗ Kim Ngân – Cô du học sinh hàn Quốc và món “cơm 1 đĩa” tự chuẩn bị

Lâu dần, mình bắt đầu để ý hơn đến việc bếp núc, tập tành nấu nướng. Mình nhận ra căn bếp là nơi giúp mình giải tỏa stress vô cùng hiệu quả sau những giờ học căng thẳng hay những giờ làm thêm mệt mỏi. Từ đó, mình có những suy nghĩ tích cực hơn và cố gắng thay đổi bản thân, chăm chút cho những bữa ăn của mình hơn một chút. Mỗi khi làm được một món ăn ngon, cắm được một lọ hoa đẹp, chụp được 1 kiểu ảnh vừa ý, mình cảm thấy tâm trạng vui vẻ hơn, thấy yêu đời và yêu chính bản thân mình hơn.

Vì thường xuyên ăn 1 mình và cũng không có nhiều thời gian nên mình thường chỉ nấu những món đơn giản và bày chung thức ăn lên 1 đĩa, mình gọi đó là “cơm một đĩa”. Thế là mình có một bữa ăn ngon với hương vị quê nhà mà vẫn sang trọng như ở ngoài hàng.

Chế Lan Viên từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Hương vị quê nhà vẫn luôn hiện hữu và căn bếp sẽ luôn ấm lửa dù bạn có là du học sinh ở bất cứ đâu, chỉ cần bạn muốn “lăn vào bếp”. Các du học sinh, bạn đã thể hiện tình yêu bếp cũng như tình yêu với ẩm thực quê hương bằng cách nào?