Ý nghĩa của chén nước mắm trong mâm cơm gia đình Việt
Dường như sẽ là một sự thiếu xót nếu trong một mâm cơm của gia đình Việt thiếu chén nước mắm – hương vị nước chấm đậm đà bản sắc quê hương. Việc sử dụng nước mắm như một lẽ thường và ít khi chúng ta chiêm nghiệm về ý nghĩa của chúng trong mâm cơm của người Việt.
Nước mắm – Linh hồn của ẩm thực Việt Nam
Từ lâu, ở Việt Nam, nước mắm đã được sáng tạo với nhiều công thức khác nhau để phù hợp cho từng món ăn như hấp, luộc, gỏi, xào, nướng,… Chén mắm chấm luôn được đặt ở giữa mâm cơm biểu thị cho sự gắn kết cộng đồng, tình yêu thương cùng nhau chia sẻ ngọt bùi.
Trong 4 món ẩm thực tiêu biểu của người Việt Nam bao gồm thuốc lào, nước mắm, bánh chưng, trầu cau, thì nước mắm chính là thứ được ứng dụng thường xuyên nhất với tất cả mọi đối tượng và trong tất cả những bữa cơm gia đình, không ngoại trừ bất cứ một dịp nào. Nó vừa là gia vị nêm nếm, vừa là món ăn, vừa là một thứ thực phẩm chức năng giúp bổ sung dinh dưỡng gồm vitamin, omega-3, axid amin, chất sắt. Thậm chí, trong một số trường hợp, nó còn là dược liệu để trị bệnh và tăng cường sinh lực cho con người.
Có thể nói, nước mắm chính là linh hồn của ẩm thực Việt, là nguyên liệu đặc biệt để ẩm thực Việt Nam trở nên nổi bật và có nét rất riêng, không một nền ẩm thực nào trên thế giới có được.
Có người cho rằng “bất cứ món ăn nào của Trung Hoa hoặc Pháp có sự góp mặt của nước mắm trong đó, đã trở thành món ăn Việt Nam. Giá trị của nước mắm vì thế trở nên độc nhất vô nhị trong nghệ thuật ẩm thực nói riêng, trong sức sống mạnh mẽ của văn hóa Việt Nam nói chung”.
Nhiều vị khách nước ngoài ban đầu sẽ không quá “mặn mà” với nước mắm Việt bởi vị mặn và mùi khá nồng. Tuy nhiên, khi đã thử qua, họ bắt đầu “nghiện” từ lúc nào không hay. Điều đó chính là minh chứng thuyết phục cho sức cuốn hút của loại nước chấm dân tộc.
>>> Có thể bạn quan tâm: Decor bếp – Khơi nguồn cảm hứng cho tình yêu nấu nướng
Sự sáng tạo bất tận trong công thức nước chấm của mỗi vùng miền
Dường như đối với nước mắm, sự sáng tạo trong các công thức mới chưa bao giờ là giới hạn. Đối với gu ẩm thực của mỗi vùng miền, với từng món ăn, chúng ta lại có những công thức pha nước chấm khác nhau. Người Miền Bắc thưởng sử dụng nước mắm nguyên chất trong các bữa ăn kết hợp cùng các nguyên liệu thông thường như tỏi, ớt. Nếu có pha thì nước chấm của người miền mắc cũng rất ít ngọt, họ chú trọng việc lưu giữ hương vị truyền thống của mắm. Ngươc lại, người miền Nam lại chuộng nước chấm với hương vị chua ngọt đặc trưng và ít mặn nên mắm thường được pha loãng và thêm đường, chanh, me, giấm…
Chúng ta sẽ thấy được sự biến tấu đa dạng trong công thức pha nước chấm khi nhìn vào các món ăn như gỏi, món cuốn, hải sản, món nướng. Nước mắm đã được biến tấu rất nhiều để phù hợp với từng loại nguyên liệu khác nhau, gia giảm độ mặn để cân bằng vị và hạn chế độ ngấy của các món ăn.
Thiên đường của nước mắm phải nói đến Cô đô Huế. Nơi đây nổi tiếng là nhiều công thức nước mắm nhất với hơn 30 loại cho các món ăn khác nhau với đủ sắc vị: mặn, ngọt, chua, cay, vừa, đậm, nhạt.
Nơi có tình yêu đặc biệt sâu đậm với nước chấm quê hương thì phải kể đến xứ Quảng với vị mắm rất mặn và cách người dân nơi dây sử dụng nước mắm trong cuộc sống thường ngày. Mắm vừa là món ăn, vừa là nguyên liệu, vừa là gia vị nêm nếm đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong ẩm thực của người xứ Quảng. Một bữa ăn thiếu hay ít mắm, đối với người Quảng đó gọi là bữa ăn nhạt nhẽo và vô vị.
Nhiều ngư dân xứ Quảng, trước khi lặn xuống biển, thường bưng chén nước mắm uống cạn để chống lạnh. Ngay cả người bình thường, ăn cơm xong, họ thường húp thêm một chén mắm. Làm như vậy, theo họ, bữa cơm mới thật sự trọn vẹn, mặn mà.
>>> Có thể bạn quan tâm: Biến hóa “góc bếp xanh” với vật liệu tái chế
Nghệ thuật nêm nước mắm
Nêm nước mắm là một loại nghệ thuật. Sở dĩ nói thể bởi việc sử dụng loại gia vị này không hề đơn giản, nó tinh tế ở việc căn thời điểm để nêm nếm đối với từng món ăn. Có món nêm vào trước sẽ ngon, có món nêm vào sau mới được.
Với các món kho, nước mắm luôn được cho vào trước để gia vị được thấm đều, đậm đà trong quá trình đun nấu. Với các món canh, xào chỉ khi nào nấu gần xong mới nêm bởi nếu nêm trước mùi nước mắm quá nồng có thể làm giảm vị và át đi mùi hương vốn có của món ăn.
Cùng với thời gian nước mắm đã ở lại trong tâm hồn người dân Việt, với hương vị đậm đà, đằm thắm bất diệt, hiện hữu nơi bữa cơm thân thuộc của mọi gia đình. Nước mắm không chỉ là món ăn, là gia vị của người Việt; nó còn là một phần của lịch sử, của văn hóa Việt Nam.