Những món ăn lạ lùng của ẩm thực miền sơn cước
Đất nước chữ S trải dài với vô vàn những điều lạ trong văn hóa, ẩm thực của từng vùng miền, từng dân tộc. Hãy thử một lần xách ba lô lên và khám phá, bạn chắc hẳn sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với nền ẩm thực phong phú và độc đáo của các dân tộc vùng cao!
Muối then len trộn kiến vàng (Huyện Sơn Hòa hoặc Sông Hinh, tỉnh Phú Yên)
Ai có dịp đến các xã vùng cao của huyện Sơn Hòa, Sông Hinh hỏi thăm món đặc sản của đồng bào nơi đây là gì, chắc chắn bạn sẽ được kể câu chuyện về muối then len trộn kiến vàng. Then len là tên một loại cây mọc nhiều ở các xã Cà Lúi, Ea Chà Rang, Sơn Phước, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Từ thời kháng chiến, người cách mạng thoát ly lên núi đã dùng loại lá cây này giã muối ớt làm thức ăn. Vị của lá then len nhân nhẫn, thơm, giã với muối hột, ớt xiêm tạo thành chất mặn cay, ăn kèm với cơm nóng hay cơm nguội gì cũng hết ý. Muối then len sẽ tuyệt vời hơn khi trộn cùng kiến vàng. Người dân nơi đây xem then len trộn với kiến vàng là đặc sản có một không hai.
Để làm muối then len trộn kiến vàng họ rang kiến và trứng kiến trong chảo đến khi kiến khô thơm rồi cho vào cối, bỏ thêm ớt, muối, bột ngọt, lá then len và giã nhỏ. Muối then len trộn kiến vàng trong bữa cơm thường được dùng để chấm rau luộc, thịt luộc nhưng có lẽ ngon và hợp nhất là với thịt bò.
>>> Có thể bạn quan tâm: Ẩm thực Amsterdam – điểm nhấn của thành phố thơ mộng nhất Hà Lan
Cheo cá mát (Huyện Dakrông và Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị)
Cá mát là loại cá sinh sống ở những vùng nước trong hoặc có thác của các con suối ở H.Hướng Hóa và Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Mùa cá chỉ kéo dài từ khoảng tháng 2 đến tháng 5 âm lịch vì thế để có cá mát ăn quanh năm, đồng bào vùng cao thường để dành, chờ đến mùa giáp hạt đói kém hoặc mùa mưa lạnh mới lấy ra ăn. Cheo cá mát có lẽ cũng vì cái tứ đó mà thành.
Cá mát sau khi bắt từ suối về, mổ bụng, làm sạch ruột, đánh vẩy rồi treo trên giàn bếp, những ngày nắng to mang cá ra phơi. Một thời gian sau, khi con cá khô quắt lại thì bắt đầu dùng được. Mỗi lần làm cheo, người Pa Kô, Vân Kiều sẽ lấy một ít cá mát khô, bỏ xương, đầu cho vào cối giã cùng muối sống, ớt, tiêu và quả cả nướng. Giã cho đến khi thịt cá tơi ra và gia vị quyện vào cá là vừa.
Đồng bào Pa Kô, Vân Kiều thường ăn cheo cá mát với xôi. Cheo cá mát là mốn ăn kì lạ với vị cay “cháy lưỡi” khiến nhiều người miền xuôi bỏng miệng nhưng vẫn đắm xay, mồ hôi ra nhễ nhại nhưng vẫn không ngừng vốc xôi chấm vào cheo cá…
Rượu đoác (Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế)
Rượu đoác là món đồ uống truyền thống của cả bà con ở vùng cao A Lưới, được lấy trực tiếp từ cây đoác, hay còn được gọi là cây tà vạt, thuộc họ dừa, mọc nhiều nơi trên dãy Trường Sơn. Đoác được khai thác rượu khi đã trưởng thành, thường từ 5 – 7 năm tuổi và không qua bất cứ một công đoạn chế biến nào. Cây mới trưởng thành tràn trề nhựa sống, tinh chất nhiều, thơm và dịu ngọt cho vị rượu đậm đà.
Các công đoạn lấy rượu rất đơn giản. Chỉ cần dùng dao rạch một lỗ ở thân cây đoác, sau đó đặt ống lồ ô dẫn xuống chai. Trong chai đã có sẵn vỏ cây chuồn phơi khô để cho nước đoác lên men thành rượu. Nếu những cây đoác đã có trái thì cắt ở cuống buồng rồi hứng nước. Người ta gọi rượu đoác là men trời bởi sự tinh chế hoàn toàn từ tự nhiên, là vật phẩm trời ban bởi sự tinh chế hoàn toàn từ tự nhiên và hương vị đậm chất núi rừng của nó.
>>> Có thể bạn quan tâm: Top 5 loại thịt nguội ngon nhất đến từ Bồ Đào Nha
Cà lèng (Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế)
Cà lèng là món ăn đặc sản của miền núi A Lưới. Đây là món ăn vô cùng thú vị bởi không phải người dân miền xuôi nào cũng có đủ can đảm để thử nhưng một khi đã thử sẽ nhớ nhung suốt đời. Cà lèng là chất sền sệt ở trong ruột non của những con vật ăn cỏ như trâu, bò, dê và các loài ăn cỏ khác. Trong đó, dê được ưa chuộng nhất bởi dê được cho là loài có hệ tiêu hóa cực tốt và sạch sẽ.
Từng tộc người sẽ có cách ăn cà lèng khác nhau. Người Tà Ôi thường cho thêm vài giọt mật để tạo vị đắng đặc trưng, mật sẽ tạo vị đắng đầu lưỡi khi ăn nhưng khi vừa nuốt xong, vị đắng ở cổ họng sẽ chuyển sang vị ngọt. Người Cơ Tu thì cho thêm lá chim chim, một thứ lá trên rừng có vị đắng và thơm tự nhiên. Người Pa Cô lại trộn thêm một chút búp non của cây xoài. Riêng người Kinh sống tại đây, họ thường nấu lại hỗn hợp cà lèng sau khi trộn đều với gia vị và lục phủ ngũ tạng, cho nhiều tiêu rừng và ớt rừng để đặc hơn và ít mùi hơn.
Cà lèng sẽ ngon hơn khi uống cùng với rượu đoác, rượu mây, rượu cần…, những loại rượu truyền thống được chiết xuất từ thiên nhiên của vùng cao A Lưới.
Ơm pờ rèng (Đồng bào Pa Cô, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế)
Ơm pờ rèng của người Pa Cô, ở vùng cao A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế), được làm từ sùng tre, một con vật sống trong thân cây tre lồ ô trước khi hóa kiếp thành bướm. Sau khi bắt sùng bỏ đầy ống tre, chỉ cần xuống suối rửa sạch rồi bỏ một ít muối, tiêu rừng, ớt rừng và vài củ kiệu vào ống lắc đều với sùng. Lấy một nắm lá cây rừng làm nùi đậy kín. Sau đó nướng lên khoảng 20 – 30 phút, chúng ta đã có món ơm pờ rèng thơm ngon, bùi bùi và béo ngậy. Không chỉ người Pa Cô yêu thích món này mà nó còn trở thành đặc sản vùng cao A Lưới, được khách thập phương đặc biệt ưa thích.
Ẩm thực vùng cao luôn chứa đựng nhiều điều bất ngờ, thú vị với những món ăn kì lạ. Chỉ khi chúng ta đủ can đảm thử mới thấy được vị ngon lạ của nó. Không ít món ăn vùng sơn cước đã khiến người miền xuôi say đắm, nhớ nhung. Nếu có cơ hội, bạn hãy thử trải nghiệm với những món ăn này nhé!