Madame Hương
Cảm hứng bếp

Madame Hương – Bông hồng thép và duyên nợ với nghề bánh

Ai đã từng sinh sống ở Hà Nội có lẽ đều được nghe cái tên Madame Hương ít nhất một lần hoặc nhìn thấy hình ảnh của bà tại các quầy bánh mỗi dịp trung thu. Bằng tình yêu mãnh liệt với bánh ngọt, Madame Hương đã đưa thương hiệu của mình đến gần hơn với thực khách Việt Nam và quốc tế. Tựa như bông hồng thép giữa vườn hoa nghề bánh, chị đến với nghề như một cơ duyên và quay trở lại với nghề cũng bởi sự nặng lòng của duyên nợ.

Tình yêu mãnh liệt với bánh ngọt

Madame Hương hay Nguyễn Thị Thu Hương là thợ bánh nổi tiếng Hà Nội. Bất cứ ai khi ghé qua mảnh đất kinh kì đều ít nhất một lần nghe nhắc đến tên chị hay nhìn thấy hình ảnh của chị trên cách trang báo, biển quảng cáo trên phố phường.

Làm quen với bánh ngọt khi mới chỉ 3 tuổi. 21 tuổi, chị Thu Hương đầu quân với tư cách nhân viên làm bánh cho một khách sạn 5 sao đình đám nhất Thủ đô – Sofitel Metrople. Vừa đi làm, vừa tranh thủ làm thêm tại nhà, chị nhanh chóng được nhiều bà mẹ biết đến nhờ tài nghệ làm bánh ngọt. Những chiếc bánh do madame Hương làm ra luôn có một hương vị riêng biệt, vô cùng trọn vẹn và tinh tế.

Madame Hương
Madame Hương – người đàn bà có tình yêu mãnh liệt với bánh ngọt

Khoảng thời gian làm song song hai công việc, Madame Hương đã ấp ủ những dự định mới. Cuối cùng, chị quyết định rẽ sang một hướng riêng do không muốn cùng lúc bị chi phối bởi nhiều công việc. Mạnh dạn xin nghỉ việc và khởi nghiệp tại nhà bằng những chiếc bánh ngọt do chính mình làm ra, chị Thu Hương nhanh chóng thành công với cửa hàng bánh đầu tiên mang tên Thu Hương Bakery tại phố Phan Đình Phùng. Và sau đó là một chuỗi các cửa hàng tại nhiều phố lớn tại Hà Nội.

>>> Có thể bạn quan tâm: Ngả mũ trước 5 bậc thầy của làng bánh thế giới hiện nay

Madame Hương: “Tôi đã từng từ bỏ”

Ít ai biết rằng, người phụ nữ mạnh mẽ với nụ cười luôn nở trên môi như Madame Hương lại từng có một khoảng thời gian cảm thấy nặng nề với nghề nghiệp mà chính chị đã từng đam mê mãnh liệt.

Chị chia sẻ: “Thành công đến với tôi rất nhanh, chỉ trong khoảng 8 năm, tôi đã có tất cả những gì tôi mơ ước từ khi còn đi làm tại khách sạn.Một công việc làm bánh yêu thích, một chuỗi cửa hàng tại các phố lớn…Nhưng khi đó, tôi phát hiện ra mình không đủ khả năng để quản lý khối công việc đang phát triển quá nhanh đó”.

Madame Hương
Từ bỏ nghề bánh chưa bao giờ là dễ dàng đối với Madame Hương

Trong khi đang loay hoay với mọi thứ, một đối tác làm ăn đã đến với lời đề nghị hợp tác. Dường như tìm được người bạn dồng hành đúng lúc, chị gật đầu đồng ý. Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng như Madame Hương nghĩ. Việc không tìm được tiếng nói chung trong kinh doanh khiến chị cảm thấy áp lực. Cuối cùng chị quyết định từ bỏ cái tên thương hiệu mà chính mình đã gây dựng và ra đi.

“Khi ấy, tôi rời quê hương mình để đến nước Pháp xinh đẹp và yên bình những mong được nghỉ ngơi, phục hồi lại sức khỏe mà nhiều năm đã hao mòn theo tuổi tác. Nhưng rồi những ngày tháng tưởng rằng được “nghỉ hưu” ấy, tôi lại bắt đầu trở nên căng thẳng hơn, chính xác là hội chứng stress. Và tôi hiểu rằng: Chỉ một ngày rời xa công việc làm bánh thôi, thì tôi đã không phải là tôi nữa rồi” – chị Hương chia sẻ

Trong thời gian sống ở Pháp, để thòa lấp nỗi nhớ nghề, Madame Hương đã đăng kí học tại trường Le Cordon Blue – trường dạy làm bánh rất nổi tiếng tại Pháp. Trong quá trình học tập, thầy giáo và bạn học của chị đều thắc mắc rằng tại sao chị đã biết làm bánh, đã tạo ra những sản phẩm tuyệt vời mà vẫn cặm cụi học từ những bài học đầu tiên. Khi ấy chị chỉ trả lời: “Chỉ vì tôi quá yêu nghề làm bánh”.

>>> Có thể bạn quan tâm: Christine Hà – “Đầu bếp mù” vẫn thấy ánh hào quang

Quay trở lại với nghề vì duyên nợ

Thực chất, khi sang Pháp, Madame Hương đã nghĩ mình sẽ không tiếp tục làm bánh nữa. Thế nhưng về Việt Nam chị lại rời vàng trạng thái trầm cảm thêm lần nữa. Mỗi lần nhìn thấy cái tên của mình trên phố nhưng không còn là của mình nữa chị lại cảm thấy đau lòng. Chị sợ phải chứng kiến cảnh khách hàng đi ra đi vào ngắm những chiếc bánh trong các tủ kính.

Rồi một ngày, một vị khách cũ quen thuộc nắm tay chị và nói: “Hương ơi, bao giờ thì chị lại được ăn những chiếc bánh do chính tay em làm đây?”. Câu nói đó khiến chị suy nghĩ mãi. Chị nhận ra, nếu không tự thoát ra khỏi sự trầm cảm của chính mình thì không ai có thế cứu mình được. Chị thuyết phục gia đình và quyết định mở một tiệm bánh mới. Từ đó, tiệm bánh Madame Hương ra đời – đó cũng chính là cái tên mà bạn bè học cùng trường thường gọi chị ở Pháp.

Madame Hương
Madame Hương quay trở lại với nghề bánh như một duyên nợ

Tiệm bánh ngọt Madame Hương ra đời, những chuỗi ngày tất bật với công việc trở lại nhưng đó lại là niềm vui đối với chị Hương. Chị luôn có mặt ở cửa hàng, kiểm soát chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt, cùng nhân viên chăm chút cho từng món ăn, đồ uống để phục vụ khách. Đội ngũ thợ làm bánh, nhân viên phục vụ cũng được chị đào tạo, hướng dẫn bài bản, đối xử công bằng để họ có được tinh thần thoải mái nhất mà làm tốt công việc của mình.

Tiệm bánh mang phong cách Pháp của một bà chủ hết lòng vì công việc, nâng niu từng chiếc bánh, thu dọn từng khay đựng và niềm nở với mọi khách hàng, ngày ngày vẫn thu hút một lượng lớn những vị khách yêu bánh. Nhờ cái tâm với nghề và tình yêu mãnh liệt với bánh ngọt, cho đến nay, cuộc sống của Madame Hương dường như trọn vẹn với cả thành công và đam mê. Quả không sai khi nói Madame Hương là bông hồng thép trong vườn hoa nghề bánh bởi hiếm có người phụ nữ nào sau khi ngã gục lại đứng lên đầy khí chất và rạng rỡ đến vậy. Chị là hình ảnh mà rất nhiều thợ bánh ngưỡng mộ và hướng tới.