Phan Tôn Tịnh Hải – nâng niu ẩm thực Việt thuần túy
Phan Tôn Tịnh Hải không còn là cái tên xa lạ đối với những người thường xuyên theo dõi những chương trình ẩm thực của Việt Nam. Người phụ nữ Huế với nụ cười hiền hậu và giọng nói nhỏ nhẹ đặc trưng của miền đất cố đô luôn mang trong mình một tình yêu lớn lao đối với ẩm thực Việt thuần túy.
Thừa hưởng tinh hoa ẩm thực hoàng gia
Phan Tôn Tịnh Hải từng chia sẻ rằng nguồn gốc cội rễ chính là cái nôi nuôi dưỡng tình yêu ẩm thực và khả năng bếp núc của cô. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có gốc rễ hoàng tộc với mẹ là nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng xứ Huế, ngay từ khi còn nhỏ, Phan Tôn Tịnh Hải đã làm quen với tinh hoa và những quy tắc khắt khe. Cô đã quen với hình ảnh của những bữa ăn chiêu đãi khách trong khuôn viên vườn nhà, quen với không khí bận rộn của của căn bếp.
Được sinh ra trong một gia đình gia giáo, hình ảnh của người phụ nữ “công, dung, ngôn, hạnh” đã được định hình trong con người của Phan Tôn Thị Hải, nó trở thành nét duyên riêng của cô. Người ta mãi ấn tượng với một nữ đầu bếp có gương mặt hiền lành, nụ cười duyên, giọng nói nhỏ nhẹ và phong thái cao quý ẩn sau hình ảnh giản dị đời thường.
Ngày nhỏ, Tịnh Hải và các chị đều được mẹ phân chia làm công việc nhà từ rửa chén, giặt khăn bàn, rửa rau, tỉa củ, đâm hành giã ớt…Việc học quen với căn bếp và tự thân nấu ăn là điều luôn được đề cao trong gia đình của nữ bếp trưởng. Đặc biệt, đối với mẹ của cô, điều này càng được coi trọng. Sau này, thân mẫu của phân Tôn Tình Hải mở một nhà hàng mang tên Tịnh Gia Viên, nhưng bà vẫn không thuê mướn người làm mà con cái phải đảm nhiệm mọi việc.
Khả năng nấu nướng của Phan Tôn Tịnh Hải được bộc lộ từ rất sớm. Năm học lớp 9, trường nữ trung học Đồng Khánh mà cô theo học tổ chức kỉ niệm lễ giỗ Hai Bà Trưng. Vào dịp đó, cô học trò Tịnh Hải đã trình làng món “Voi phủ phục đồng cỏ” gây được tiếng vang lớn trong trường và chiếm giải vàng đặc biệt. Cô đã dùng bao tử heo để tạo hình một chú voi tuyệt khéo đang nằm phục trên đồng cỏ. Trên chú voi này, cô sử dụng rau củ quả tỉa thành hình ảnh Hai Bà Trưng oai dũng. Hình dáng món ăn mang ý nghĩa tưởng niệm sự hy sinh oanh liệt của hai vị nữ vương. Và điều đặc biệt là hương vị của món ăn còn khiến người thưởng thức trầm trồ hơn cả hình thức của nó. Hình ảnh của Phan Tôn Tịnh Hải cùng với món ăn quá sức tưởng tượng của một cô bé lớp 9 ngày hôm đó đã được trân trọng lưu giữ trong kỷ yếu của trường.
>>> Có thể bạn quan tâm: Luke Nguyễn – Phù thủy ẩm thực mang tâm hồn văn sĩ
Phan Tôn Tịnh Hải – nữ bếp trưởng với hai cá tính song song
Có thể nói, ở Phan tôn Tịnh Hải tồn tại hai cá tính song song, mọi thứ trong hai cá thể đó đều ở mức vừa đủ và đúng mực. Là một người tiếp xúc với bếp núc từ nhỏ, mang trong mình sự dịu dàng truyền thống cùng với khuôn mẫu của một phụ nữ nết na chuẩn mực đất cố đô nhưng ở cô vẫn có nét cá tính, quyết đoán của phụ nữ hiện đại.
Từng đạt nhiều danh hiệu nấu nướng lại được nuôi dưỡng từ cái nôi ẩm thực nhưng Phan Tôn Tịnh Hải lưa chọn học đại học ngành Luật quốc tế bởi cá tính yêu thích sự công bằng. Nhiều người cho rằng, đây là một bước đi thừa thãi nhưng đối với cô, đó là một lựa chọn đầy quyết đoán và cô không bao giờ hối hận vì đã là chính mình tại lựa chọn đó.
Song song với việc học Luật, cô tiếp tục với niềm yêu thích bếp núc bằng cách theo học trường cao đẳng văn hóa du lịch và cô đều đạt thủ khoa cả 2 trường với điểm tốt nghiệp tuyệt đối.
Tốt nghiệp, cô về giảng dạy tại trường Trung cấp du lịch Huế của Tổng cục Du lịch. Thời điểm này, cô cũng được thầy Tony, một bậc thầy trong nghề bếp người Luxembourg nhận ra tiềm năng và chọn tham dự khóa huấn luyện đặc biệt và thực tập tại các khách sạn 5 sao ở Hà Nội để trở thành chuyên gia ẩm thực. Phan Tôn Tịnh Hải đã rất cố gắng để hoàn thất khóa huấn luyện vô cùng vất vả để rồi sau đó cô nhận được lời mời đi du học tiếp tại Luxembourg. Nhưng tiếc là Phan Tôn Tịnh Hải đã không thể tham gia khóa học này bởi thời gian biểu dày đặc.
Thành công trên đất Huế nhưng bản thân là một người phụ nữ tham vọng và đầy đam mê, Phan Tôn Tịnh Hải muốn chinh phục nhiều điều hơn thế. Cô ấp ủ ước mơ Nam tiến để được học hỏi thêm từ các cao thủ trong ngành bếp. Năm 2003, với vỏn vẹn 2 triệu đồng trong tay, bếp trưởng Phan Tôn Tịnh Hải chính thức đặt chân đến Sài Gòn và mở đầu một chặng đường đầy cam go.
>>> Có thể bạn quan tâm: Christine Hà – “Đầu bếp mù” vẫn thấy ánh hào quang
Chặng đường chông gai để đến với thành công
Những ngày đầu tiên đến với Sài Gòn, Phan Tôn Tịnh Hải dùng chút tiền ít ỏi để thuê phòng và sắm một chiếc xe đạp mới – người bạn đầu tiên song hành cùng cô trên quãng đường tìm kiếm sự thành công. Từng được giới thiệu đến một ngôi trường với lời hứa hẹn rằng sẽ được đứng lớp ngay khi đến với Sài Gòn sôi động nhưng vị đắng đầu tiên mà cô giáo trẻ xứ Huế phải nếm trải đó là công việc không như cô mong đơi. Không nản lòng, Tịnh Hải tiếp tục tìm kiếm công việc mới trên các trang báo và điểm dừng chân cô lựa chọn là trường Khôi Việt.
Cô giúp xây dựng nên giáo trình đầu tiên của thầy Hà Kim Vọng, một người đầy chân thành và nhiệt huyết cho nền giáo dục thực hành. Thời điểm ấy, danh tiếng của Khôi Việt lan khắp ngành du lịch về chất lượng học sinh và giáo trình đào tạo chỉn chu, bài bản. Sau đó, nhờ cơ duyên, Tịnh Hải nhận lời làm trợ lý cho GS.TS Nguyễn Thuyết Phong làm việc với chương trình Fulbright (thuộc bộ ngoại giao Hoa Kỳ) tại Hà Nội. Đây là một bước ngoặt lớn, là cơ may để cô qua lại bên Mỹ học và tốt nghiệp Thạc sĩ ngành ẩm thực và dinh dưỡng.
Có ra nước ngoài, tầm hiểu biết của cô càng được mở rộng. Thạc sĩ Phan Tôn Tịnh Hải có một ước mơ lớn lao đó là đưa nghề bếp trở thành một nghề chuyên và đáng được tôn vinh. Đó là lý do thôi thúc cô mở trường dạy nghề bếp mang tên Mint Culinary School ở quận Phú Nhuận Tp.HCM. Cô tâm sự: “Mở trường cũng là vì ước mong ẩm thực Việt sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn nữa. Ngành bếp Việt sẽ được xem trọng, các em học sinh khi ra trường sẽ có được công việc ổn định và đúng đam mê của mình!”.
Bằng sự quyết tâm và chuyên môn của mình, một ngày không xa Phan Tôn Tịnh Hải sẽ mang ẩm thực Việt đi khắp năm châu và trường học mà cô đã thai nghén ra sẽ đào tạo nên những bếp trưởng ưu tú, góp phần vào sự phát triển của ngành ẩm thực Việt.