“Huyền thoại gian bếp Việt” bước trên thăng trầm song hành cùng ẩm thực
Người ta ít gọi bà với cái tên thật Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, bà được biết đến nhiều hơn với danh xưng “huyền thoại gian bếp Việt”. Nhìn vào khuôn mặt nữ đầu bếp đẹp lão với nụ cười hiện hậu, ít ai biết rằng cả cuộc đời bà là nhịp nối những truân chuyên. Nhưng trên tất cả, người phụ nữ ấy vẫn mạnh mẽ bước trên thăng trầm để song hành cùng ẩm thực.
Nghề bếp là lựa chọn của số phận
Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân chưa bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ là một đầu bếp khi còn nhỏ. Từng là cô con gái út được gia đình nuông chiều nên bà rất nghịch ngợm và không mấy hứng thú với chuyện bếp núc. Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân ôm ấp ước mơ bảng đen phấn trắng, công việc đầu tiên khi trưởng thành của bà là một giáo viên dạy Văn tại trường THPT Nguyễn Thượng Hiền.
Thế rồi, cô giáo Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đến tuổi thành gia. Ngày bước chân về nhà chồng, mẹ bà nắm tay con gái dặn dò: “Muốn gia đình hạnh phúc thì bếp lửa trong nhà phải luôn luôn ấm”. Câu nói đó như kim chỉ nam để rồi từ đó bà rèn nữ công gia chánh, quan tâm nhiều hơn đến bữa ăn gia đình và trở thành một người phụ nữ vẹn toàn trong gian bếp.
Chặng đường đến với nghề bếp của Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân là muôn vàn nhịp nối truân chuyên. Nghề bếp đối với bà như một sự lựa chọn của số phận. Ngày cuộc đời trút xuống cùng cực khó khăn, nghề bếp như một cái phao cứu sinh, một sự bấu víu cuối cùng để tạo đà cho bà bước tiếp.
Cột mốc bi kịch đầu tiên của Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân chính là việc mẹ bà bị bệnh tim qua đời, người con trai út thì lâm bệnh nặng khi chỉ mới vài tuổi. Khi ấy, gia đình nhỏ của bà vô cùng khó khăn, mức lương giáo viên hoàn toàn không đủ để bà phụ giúp chồng nuôi dưỡng gia đình con cái. Bà buộc phải làm thêm rất nhiều nghề, từ dạy nấu nướng đến đan len, thêu thùa…. Năm 1990, bà nghỉ dạy, ôm con sang úc khi trong người chỉ có vỏn vẹn 5 đô la, làm việc đến kiệt sức bên xứ người để có tiền chữa trị cho con.
Sau 1 năm ở Úc, bà cùng con trai về Việt Nam trong tình trạng vô định hướng. Việc trở lại với nghề giáo đã thành một điều gì đó quá xa xỉ với bà. Cái nghèo vẫn đeo đẳng bám theo, bà tiếp tục làm đủ mọi nghề để kiếm tiền nuôi con. Ít lâu sau, bà xin vào Trung tâm Dạy nghề Tân Bình để dạy làm bánh, dạy nghệ thuật nấu ăn.
Năm 1993, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh cần một giáo viên có kinh nghiệm dạy nấu ăn cho chương trình “Khéo tay hay làm”. Nhờ sự khéo léo, giọng nói truyền cảm, gương mặt phúc hậu và ăn hình, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân được mời đảm nhận vai trò ấy. Từ đó, bà một bước trở thành gương mặt quen thuộc của hàng triệu khán giả Việt. Việc trở thành người dạy nấu ăn cho chương trình “Khéo tay hay làm” cũng mở ra cho bà nhiều cơ hội mới. bà trở thành người truyền bá cho ẩm thực Việt Nam ra thế giới lúc nào không hay.
>>> Có thể bạn quan tâm: Phan Tôn Tịnh Hải – nâng niu ẩm thực Việt thuần túy
Nữ đầu bếp với khứu giác kì lạ
Nếu lấy cột mốc “Khéo tay hay làm” là ngày đầu bà bắt đầu sự nghiệp dạy nấu ăn của mình, thì đến nay, nghệ nhân Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đã có hơn 20 năm kinh nghiệm với nghề bếp. Ở bà có một khả năng kì lạ, chỉ cần ngửi mùi thức ăn, bà đã có thể đoán được chính xác hương vị của món ăn. Bạn bè của bà gọi vui đó là “khứu giác của quỷ”.
Có một lần, nhân viên của bà đem thức ăn đi ngang qua chỗ bà ngồi. Chỉ thoáng nghe mùi thức ăn dậy lên, bà đã cảm nhận được vị mặn của món thịt kho tàu. Bà kiên quyết muốn nhân viên làm lại món ăn bởi hương vị này không đủ tiêu chuẩn để phục vụ khách hàng. Nhân viên tỏ ra ái ngại, cho rằng không thể nào chắc chắn món ăn mặn khi thậm chí bà còn chưa động đũa thử. Nguyễn Dzoãn Cẩm vân vẫn rất kiên định, bà cam đoan rằng nếu sai bà sẽ đền bù lại hai tháng lương. Quả thật, món ăn đúng như sự cảm nhận của bà. Chẳng những mặn thật mà còn mặn đắng.
Một lần khác, bà đang ngồi tiếp khách, thấy nhân viên mang một tô canh chua đi ngang qua. Vừa ngửi thấy mùi canh chua, bà liền kêu nhân viên lại và dặn dò: “Tô canh chua này chưa đạt vị, vừa dư độ ngọt lại thiếu độ chua cần thiết”. Sau khi thử món, mọi người đều kinh ngạc, lời nhận xét của bà quả không sai.
Không chỉ giỏi giang trong gian bếp, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân còn miệt mài với công cuộc viết nách. Đến nay, bà đã xuất bản khoảng 90 đầu sách từ hướng dẫn nấu ăn đến sách du lịch các nước. Chắc hẳn, ai đã đọc Ký sự lang thang từ Bắc sang Đông của bà lại thêm phần ấn tượng về người phụ nữ đặc biệt này.
>>> Có thể bạn quan tâm: Luke Nguyễn – Phù thủy ẩm thực mang tâm hồn văn sĩ
Tìm đến miền an lạc và tiếp tục đam mê với món ăn chay
Kể từ năm 2010, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân dường như rút lui hầu hết các chương trình trên màn ảnh. Bà chỉ thỉnh thoảng tham gia 1 số các tiết mục dạy nấu ăn chay và tích cực đi từ thiện, làm việc công đức cho Chùa. Ngỡ cuộc sống sẽ yên bình nhưng sóng gió lại 1 lần nữa ập đến với người phụ nữ này. Năm 2014, người con trai của bà đột ngột qua đời vì bị tai biến mạch máu não, đó là nỗi đau tột cùng khó để nguôi ngoai.
Mãi cho đến khi bà gặp được Sư Ông Thích Thanh Từ tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, chỉ với một câu nói: “Buông đi con, sao mắt con buồn vậy”, sư ông đã đánh thức bà, khiến bà ngộ ra nhiều chân lý của cuộc đời. Từ đó về sau, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân gần như buông bỏ tất cả, không cố gắng níu giữ bất cứ thứ gì, mọi chuyện đến và đi với bà chỉ như cái duyên. Và đến nay, khi cái duyên của bà với cửa Phật đã đủ chín, bà quyết định xuống tóc xuất gia, bỏ lại sau lưng những phiền não của cuộc sống.
Nghệ nhân Nguyễn Dzoanz Cẩm Vân từ đó rẽ hướng sang một đam mê mới, đam mê với món chay. Bà từng chia sẻ: “Cái làm tôi hạnh phúc nhất là làm 260 món ăn chay ở chương trình món chay của Diệu Pháp Âm. Chỉ mong ngày càng đưa món ăn chay đến được nhiều người hơn. Và bây giờ là ý Phật, Phật muốn tôi nấu ăn”.
Một người phụ nữ bé nhỏ như Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đã rất kiên cường khi dám bước trên thăng trầm để song hành cùng ẩm thực. Bằng cách này hay cách khác, ẩm thực vẫn mãi là một ngọn lửa luôn cháy trong tim của “huyền thoại gian bếp Việt”.