Những loại trái cây miền quê hiếm có khó tìm, nghe tên đã thấy lạ
Cộng đồng mạng từ trước tới nay không ít lần xôn xao bởi danh sách nhiều loại trái cây lạ hoắc ở các vùng quê mà chưa bao giờ có dịp nhìn thấy hay ăn thử. Tuy xa lạ với nhiều người, nhưng những loại trái cây này lại chính là thứ gắn liền với tuổi thơ của người dân bản xứ. Bây giờ muốn tìm mua cũng khó như “mò kim đáy bể”. Cùng Tomimarkets khám phá những loại hoa quả độc – lạ xem bạn có biết được loại nào chưa nhé!
Quả chay
Quả chay là loại quả có có hình dáng độc đáo, thường mọc thành từng chùm nhỏ xinh, khi còn sống có màu xanh, vị chua và hơi chát. Khi quả chay chín vàng ươm thì có ruột hồng, mang hương vị chua ngọt dịu nhẹ. Quả chay chín có thể dùng ăn sống hoặc phơi khô để dành chế biến các món ăn như cá kho, nấu canh…
Quả cám
Cám là cây thân leo, thường mọc dại ở những nơi gần sông nước, chủ yếu ở khu vực Tây Nam Bộ. Quả cám có lớp vỏ màu nâu sần sùi, nhiều mủ, bóc ra sẽ thấy một lớp “xốp xốp” giống như cùi bưởi. Nhân trái cám có hình thù như một con cá với lớp vảy đặc trưng nên ở nhiều nơi khác, người ta còn gọi đây là trái cá. Quả cám có vị ngọt giống sắn, có người còn cho rằng vị giống bọng dừa. Dù vậy, không phải người miền Tây nào cũng biết trái cám có thể ăn được.
>>> Có thể bạn quan tâm: Đường trong trái cây và những điều chúng ta chưa biết
Quả quăng
Thoạt nghe tên, chắc hẳn nhiều người cũng thấy lạ rồi đúng không nào? Quăng là loại quả có hình tròn, mọc thành chùm, quả có lớp vỏ màu đỏ sậm, kích thước nhỏ hơn ngón chân cái người lớn. Cây quăng mọc nhiều ở vùng núi rừng Việt Nam, nhiều nhất là ở Quảng Ngãi. Mùa quăng chín thường rơi vào tầm giữa tháng 5 đến cuối tháng 6 hàng năm. Hạt quăng to, lớp thịt mỏng và có vị chua, ngọt vô cùng đặc biệt. Quả quăng là món “quà quê” được nhiều đứa trẻ yêu thích.
Quả dủ dẻ
Dủ dẻ là loài cây dại thường mọc ở ven rừng thuộc khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung. Quả dủ dẻ khi còn non có màu xám nhạt, lúc chín có màu vàng, thịt mỏng và có vị ngọt thanh rất ngon.
Quả vả
Quả vả trồng nhiều ở Huế, được xem là món ăn dân dã của người dân nơi đây. Vả trông khá giống quả sung, nhưng to hơn và khi chín thì có dòng mật ngọt lịm chảy ra. Khi còn xanh, phần thịt bên trong quả vả có màu trắng, được dùng để chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Huế như: vả trộn hến, vả tôm xúc bánh đa…
Quả chùm chày
Sở dĩ có tên như vậy là vì quả mọc thành từng chùm, hình dáng khá dài và có đầu tròn như cái chày. Quả này thường được tìm thấy ở các chân đồi, ven bìa núi vùng đồng bằng miền Trung. Khi còn non chùm chày có màu xanh, lúc chín thì chuyển đỏ sẫm, thịt mỏng và hạt to, vị ngọt nhẹ và rất thanh.
Quả thù lù
Thù lù còn có nhiều tên gọi khác như tầm bóp, lu lu cái, lồng đèn, bôm bốp… Đây là loài thực vật thuộc họ Cà, thường mọc hoang khắp các bờ ruộng, bãi cỏ, ven đường… Quả thù lù mọng tròn, nhẵn, lúc non màu xanh, khi chín màu đỏ, thường có vị chua, có tác dụng thanh nhiệt và rất tốt cho sức khỏe.
Quả bình bát
Bình bát còn có tên gọi khác là na nước, mọc dại rất nhiều ven các kênh rạch, sông nước ở khu vực Tây Nam Bộ. Trước đây bình bát là loại quả gắn liền với tuổi thơ của không ít người, thế nhưng ngày nay muốn kiếm quả này không phải dễ. Bình bát có vị ngọt, ăn vào mát và có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Thông thường, người ta thường sử dụng phần ruột loại quả này dầm với một ít đường, sữa và đá để tạo nên món uống thơm ngon, bổ dưỡng.
>>> Đọc thêm: Loạt trái cây “tưởng vậy mà không phải vậy” trên thế giới
Với các loại quả “hiếm có khó tìm” kể trên, các bạn có biết hay may mắn được nếm qua loại quả nào chưa? Nếu có thì hãy chia sẻ trải nghiệm của mình cho Tomimarkets biết với nhé! Tuy ngày nay, những loại quả này khá khan hiếm nhưng nếu có dịp đặt chân đến quê hương xứ sở của chúng, các bạn hãy hỏi thăm người dân trong vùng, biết đâu các bạn sẽ được thưởng thức những loại trái cây quý giá này.